HỎI ĐÁP

(Click dấu + để xem câu trả lời)

Vắc xin - Tiêm chủng

  • Con tôi đã 16 tuổi thì có cần tiêm chủng nữa không? Nếu không thì có bị vấn đề gì không? Việt Tú, 21, Lâm Đồng

    Ở độ tuổi thanh thiếu niên việc tiêm vắc-xin cũng rất quan trọng, vì:

    • Độ tuổi này có khả năng mắc một số bệnh truyền nhiễm như cúm; viêm não Nhật bản, viêm não mô cầu, ung tư cổ tử cung và các bệnh do vi-rút HPV… nên cần tiêm chủng đầy đủ để được bảo vệ tốt nhất.
    • Để đảm bảo khả năng miễn dịch đã được tạo ra từ việc chủng ngừa trước đó không giảm theo thời gian.
    • Nếu không được bảo vệ, khi bị nhiễm bệnh, có thể trở thành nguồn lây bệnh cho những người xung quanh.
    • Tiêm chủng ở độ tuổi này sẽ giúp phòng ngừa một số bệnh chuẩn bị cho tuổi trưởng thành.

    Nguồn: http://hieuvetiemchung.hoibsgiadinh.com/hoi-chuyen-gia.html 

  • Tôi bị viêm gan B đã được 2 năm, tôi ăn uống sinh hoạt bình thường nhưng gần đây, tôi nghe nhiều người nói người bệnh viêm gan B không nên uống nước đá lạnh. Tôi không biết nguyên nhân vì sao, xin quý báo giải thích giúp? Nguyễn Việt Hùng(Hải Phòng)

    Viêm gan B là một bệnh thường gặp và có thể gây một số biến chứng nguy hiểm cho gan như xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, một chế độ sinh hoạt như ăn uống, vận động hợp lý sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe cho lá gan.

    Những thói quen độc hại có ảnh hưởng trực tiếp đối với người viêm gan B mà họ thường mắc phải là uống quá nhiều rượu, loạn sử dụng thuốc,thiếu ngủ, hút thuốc lá, hay ăn đêm... Đặc biệt, trong số các thực phẩm, đồ ăn nhiều dầu mỡ là kẻ thù số 1 của gan. 

    Nếu người bị viêm gan hấp thụ lượng chất béo cao sẽ tăng gánh nặng cho gan. Ngoài ra, hay ăn đêm cũng là một thói quen dễ mắc phải nhưng cần tránh do ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của gan, có khi gây rối loạn chức năng gan.

    Các chuyên gia khuyến cáo, trong chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm gan B, ngoài những thực phẩm và thói quen gây hại cho gan như trên còn cần bổ sung cho gan lượng nước cần thiết nhưng không nên sử dụng nước đá lạnh do có thể đá lạnh được làm từ nước không vệ sinh sẽ gây tích tụ chất bẩn cho gan, khiến cho gan phải làm việc nhiều hơn dễ dẫn đến bệnh nặng hơn.           

    AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống) 

  • Tôi 28 tuổi, đã qua 2 lần sinh nở, khi mang thai hai cháu tôi đã tiêm vaccin viêm gan B (VGB) và cả hai cháu khi sinh ra cũng đã được tiêm chủng đầy đủ. Vậy mà gần đây thấy cháu lớn gầy quá, mắt và da vàng, cho cháu đi khám và làm các xét nghiệm kết quả cháu bị VGB. Tôi và em cháu không bị VGB, tại sao cháu đã tiêm phòng rồi (tiêm đủ 3 mũi VGB) mà vẫn bị bệnh. Đinh Hồng Lan (Phú Thọ)

    Bệnh virut VGB tương đối phổ biến.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người đã từng bị nhiễm virut VGB và hiện còn khoảng 350 triệu người đang mang virut VGB mạn tính. Tỷ lệ người mang virut này ở nước ta vào khoảng 10 - 20%. Virut lây truyền chủ yếu qua máu và dịch tiết của người mang virut VGB mạn tính và bệnh nhân VGB cấp tính. Về phương diện dịch tễ học, người ta ghi nhận có 4 phương thức lây truyền chính: lây truyền do tiếp xúc với máu; lây qua sinh hoạt tình dục; lây truyền từ mẹ sang con; lây do dùng chung các vật dụng cá nhân (dao cạo râu, ngoáy tai, bàn chải đánh răng).

    Với trẻ em, phòng ngừa VGB càng sớm càng tốt: Khi đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, 24 giờ sau sinh cần tiêm ngay một mũi vắc-xin VGB, 30 ngày sau mũi tiêm thứ nhất cần tiêm mũi thứ hai; và 2 tháng sau thì tiêm mũi thứ ba, một năm sau nên tiêm một mũi nhắc lại.

    Để bảo đảm vắc-xin có hiệu quả phải bảo quản ở nhiệt độ 2 - 80C nhưng không đông lạnh, phải tiêm đủ số lần và khoảng cách thời gian theo quy định. Tuy nhiên, người ta thấy có một tỷ lệ khoảng 2,5- 5% số người sau tiêm phòng vẫn bị mắc bệnh. 

    Những người rơi vào trường hợp không may này có thể do: bản thân vắc-xin VGB không đảm bảo chất lượng (bảo quản không tốt, vắc-xin đã quá thời hạn sử dụng) hoặc do khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh quá kém (người già yếu, hệ thống miễn dịch suy giảm không sản xuất đủ kháng thể, sự xuất hiện của các dòng virut VGB đột biến…). Ngoài ra, cũng có thể do người bệnh đã nhiễm bệnh tiềm ẩn trước khi tiêm phòng do thời gian ủ bệnh dài, vắc-xin tiêm vào không có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virut…

    Qua dẫn liệu, rất có thể sự khôngđáp ứng miễn dịch của cháu bé là nằm trong tỷ lệ không may mắn nói trên. Bạn nên cho cháu xét nghiệm lại một lần nữa cho chắc chắn.

    AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe& Đời sống) 

  • Bé trai nhà tôi (bảy tuổi) bị chó cắn vào chân, chủ nhà đưa ra giấy xác nhận chó đã chủng ngừa bệnh dại. Như vậy, tôi có cần cho con chích ngừa loại vắc-xin nào nữa không? Phan Hà (Q.7, TP.HCM)

    BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - tư vấn:

    Dù chó đã được tiêm chủng, nhưng nếu bé bị cắn ở những vị trí nguy hiểm như: vùng đầu mặt, bộ phận sinh dục thì cần chích ngừa ngay... Ở những vị trí này, vi-rút dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, khiến trẻ tử vong nhanh chóng. Nếu chó đã chích ngừa cắn ở tay chân thì có thể không cần cho bé chích ngừa nhưng gia đình phải theo dõi con chó trong vòng 10 ngày, xem nó có bị chết hay không. Nếu chó bị chết, phải đưa bé đi chích ngừa ngay.

    Để phòng bệnh uốn ván, trẻ nhỏ thường được chích vắc-xin ngừa uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng và trẻ phải chích nhắc lại lúc sáu tuổi. Bé đã bảy tuổi, nếu chưa chích nhắc lại, chị cần cho cháu chích vắc-xin uốn ván sau khi bị chó cắn.

    Thanh Toàn (ghi)

    Nguồn http://phunuonline.com.vn 

  • Trẻ em đang bị hen hoặc bênh phổi mãn tính đang dùng corticoid thì có tiêm phòng vắc xin cúm không?

    Có. Hen và bệnh phổi mạn tính là nhóm đối tượng nguy cơ cao được khuyến cáo phải tiêm vắc xin cúm. Hướng
    dẫn sử dụng vaccine Vaxigrip phần chống chỉ định, tương tác thuốc hay phần thận trọng không đề cập việc không được sử dụng vaccine khi đang dùng corticoid cho trẻ 

  • Phản ứng phụ sau khi tiêm cho bệnh nhân mạn tính có gì không?

    Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính là một trong các đối tượng ưu
    tiên cần tiêm ngừa cúm (bệnh hô hấp mạn tính, tim mạch, tiểu đường …).
    Thông tin kê toa của Vaxigrip cũng không ghi nhận tác dụng phụ đặc biệt nào khác ở bệnh nhân có bệnh
    mạn tính so với người khỏe mạnh. Những tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin cúm cho tất cả các
    đối tượng người lớn nói chung bao gồm: Đau đầu, tăng đổ mồ hôi, đau cơ, đau khớp, đau/nhạy đau chỗ
    tiêm, đỏ chỗ tiêm, sưng chỗ tiêm, cứng chỗ tiêm, khó chịu, suy nhược, ngứa chỗ tiêm, sốt, run rẩy/rét
    run, thâm tím/bầm chỗ tiêm
     Một bài báo tổng hợp 50 năm kinh nghiệm sử dụng Vaxigrip phần dành cho các bệnh nhân mạn tính bao
    gồm nhiễm HIV, ung thư, chạy thận nhân tạo, cấy ghép gan thận cũng cho thấy vaccine là an toàn: không
    có biến cố bất lợi nghiêm trọng liên quan đến vaccine, các biến cố bất lợi thường gặp chủ yếu tại chỗ,
    nhẹ và thoáng qua.

    WHO. Vaccines against influenza. WHO position paper - November 2012.
    Thông tin kê toa Vaxigrip 2017 

  • Tôi tư vấn tiêm vắc xin cúm cho một bé 8 tháng tuổi, về nhà bị hội chứng giống cúm. Bà mẹ quay trở lại phàn nàn làm tôi ngại quá!

    Có một số lý do mà một số người có triệu chứng giống cúm ngay sau khi tiêm vắc xin cúm; bác sĩ có thể giải thích
    cho người tiêm chủng:
    Mọi người có thể phơi nhiễm với vi rút cúm một thời gian ngắn trước khi tiêm vắc xin hoặc trong 2 tuần
    đầu sau khi tiêm vắc xin – khoảng thời gian cơ thể cần để đạt sự bảo vệ sau khi tiêm vắc xin. Sự phơi
    nhiễm này làm cho người tiêm vắc xin bị bệnh cúm trước khi vắc xin bắt đầu bảo vệ họ.
    Mọi người có thể bị bệnh từ một vi rút khác (không phải cúm) đang lưu hành trong mùa cúm và cũng
    gây ra những triệu chứng giống cúm.
    Một số người bị phơi nhiễm với vi rút cúm không có trong thành phần của vắc xin.
    Cuối cùng, vắc xin cúm có thể gây ra những tác dụng không mong muốn nhẹ mà thỉnh thoảng bị hiểu
    lầm là triệu chứng của cúm.
    Vì lợi ích của bản thân đứa trẻ, và cộng đồng thì Tổ Chức y tế thế giới đã khuyến cáo rất mạnh mẽ việc tiêm
    chủng vắc xin cúm cho trẻ < 5 tuổi; đặc biệt là trẻ < 2 tuổi.
      

  • Tại sao phải tiêm vắc xin cúm hàng năm?

    Vi rút cúm có sự thay đổi gen hàng năm. Do vậy, để đảm bảo tối ưu hiệu quả của vắc xin chống lại các vi rút cúm
    đang lưu hành, thành phần kháng nguyên của vắc xin cúm được cập nhật hàng năm và điều chỉnh theo tính chất
    kháng nguyên của vi rút cúm hiện hành.
    Chính vì vậy tổ chức y tế thế giới khuyến cáo nên tiêm chủng vắc xin cúm hàng năm.
     

    WHO. Vaccines against influenza. WHO position paper - November 2012. 

  • Vắc xin cúm an toàn thế sao không khuyến cáo cho trẻ từ 3 tháng tuổi mà phải đợi tới 6 tháng tuổi?

    Tất cả chỉ định đều dựa vào nghiên cứu lâm sàng; chưa có nghiên cứu về vắc xin cúm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. 

  • Người suy giảm miễn dịch có tiêm ngừa cúm được không, có cần tiêm nhắc sau 6 tháng để đảm bảo hiệu quả bảo vệ của vắc xin không?

    Có. Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, bệnh nhân suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc bệnh (HIV)
    là một trong các đối tượng cần phải tiêm vắc xin cúm hàng năm và chỉ tiêm 1 lần mỗi năm.

    WHO. Vaccines against influenza. WHO position paper - November 2012. 

  • Chào các anh chị! Cháu bé 3 tháng tuổi đã tiêm đủ 3 mũi viêm gan B, đợt này tiêm vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem có được không?

    Vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin phối hợp để phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Con bạn có thể tiêm chủng vắc-xin này, việc tiêm chủng như vậy không ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu, khi đưa cháu đi tiêm chủng bạn cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân của cháu để cán bộ y tế biết cháu nhà bạn đã tiêm vắc-xin gì để có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho cháu.

    Nguồn: Theo TCMR 

  • Bé nhà cháu 18 tháng. Đã tiêm mũi lao, bại liệt, 3 mũi 5 trong 1 và 1 mũi sởi. Giờ cháu nên tiêm vắc-xin gì tiếp theo?

    Cháu nhà bạn đã được tiêm chủng rất đầy đủ các vắc-xin phòng bệnh theo lịch tiêm chủng, hiện tại cháu 18 tháng tuổi bạn hãy đưa cháu đi tiêm vắc-xin sởi lần 2 và tiêm nhắc vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) để củng cố miễn dịch phòng bệnh cho cháu. Ngoài ra cháu cũng cần được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản. Bạn có thể cho cháu đi tiêm các loại vắc-xin trên miễn phí tại trạm y tế xã phường.

    Nguồn: Theo TCMR 

  • Cháu nhà tôi hiện được 5 tháng 21 ngày, cháu đã tiêm được 2 mũi vắc-xin 5 trong 1 của Hàn Quốc. Theo tôi được biết, thành phần của loại vắc-xin này có phòng viêm gan B, vậy tôi có phải tiêm cho con tôi thêm 2 mũi viêm gan B đơn nữa không? Có phải em bé nào khi sinh ra trong vòng 24 giờ đều được tiêm viêm gan B mũi 1 (nếu không mắc các bệnh quá nghiêm trọng)? Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được sự giải đáp của các chuyên gia.

    Trẻ em cần được tiêm mũi viêm gan B sơ sinh (tốt nhất trong 24 giờ đầu sau khi sinh) và phòng lao càng sớm càng tốt, tiêm đủ 3 mũi vắc-xin  phối hợp phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (vắc-xin Quinvaxem) và uống vắc-xin phòng bại liệt. Cháu nhà bạn chỉ cần tiêm thêm 1 mũi  vắc-xin Quinvaxem (mũi 3) mà không cần tiêm thêm vắc-xin viêm gan b đơn giá, khi đưa cháu đi tiêm chủng bạn cần mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân của cháu để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho cháu.

    Nguồn: theo TCMR 

  • Nếu một người đã bị bệnh cúm, họ có nên tiêm vắc xin cúm nữa không?

    Có. Có 2 lý do tại sao họ vẫn nên tiêm ngừa vắc xin cúm dù họ đã từng bị những triệu chứng giống bệnh cúm:
    Có thể rằng những bệnh giống cúm họ đã mắc không phải do vi rút cúm. Có rất nhiều vi rút đường hô
    hấp khác có thể gây ra những triệu chứng giống cúm.
    Cho dù họ đã từng bị nhiễm vi rút cúm thật, vẫn có nhiều hơn 1 loại vi rút cúm lưu hành trong suốt mùa
    cúm. Và công thức của vắc xin cúm bao gồm những chủng phổ biến đang lưu hành, do đó vắc xin vẫn
    bảo vệ họ khỏi những chủng vi rút cúm khác mà họ chưa bị nhiễm. 

Chăm sóc sức khỏe

  • Cháu 22 tuổi, bị sốt cao đau đầu 2 ngày thì thấy có nốt ban đỏ rải rác trên da và nhiệt miệng. Cháu đi khám xét nghiệm được biết bị Rubella. Xin bác sĩ cho biết nếu đã mắc Rubella thì có cần tiêm vắc-xin phòng sởi nữa không? Nguyễn Vũ Việt Anh (vietanh @gmail.com)

    Bệnh Rubella còn gọi bệnh sởi Đức - là bệnh truyền nhiễm do virut gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban và nổi hạch sau tai. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc gần với người bị bệnh. Triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch. Sốt: đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1- 4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Sốt nhẹ 38,5oC. Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết. Phát ban: lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm. Đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy, hay gặp ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng. Để biết chính xác có phải Rubella bạn chỉ cần xét nghiệm máu. Trường hợp đã mắc Rubella sẽ có kháng thể suốt đời và không mắc lại nhưng nếu bạn chưa tiêm vắc-xin sởi, quai bị, thì bạn vẫn là đối tượng có nguy cơ mắc 2 bệnh sởi và quai bị và lời khuyên bạn nên tiêm phòng ngay.
     

  • Ông nội tôi đang mắc bệnh lao phổi. Tuy nhiên, do ông đã lớn tuổi và chỉ có mình ba tôi là con trai nên hầu hết mọi công việc liên quan đến chăm sóc và ăn uống của ông đều một tay mẹ tôi lo lắng. Tôi nghe nói, bệnh này rất dễ bị lây qua tiếp xúc và ăn uống chung. Xin cho hỏi, mẹ tôi nên áp dụng những cách nào để có thể phòng được bệnh cho mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình. Cám ơn bác sĩ. (minh truc)

    Bệnh lao là bệnh lây qua đường hô hấp. Như vậy, trước khi được chẩn đoán người bệnhcó thể đã lây cho nhiều người. Tuy nhiên, để người bệnh có khả năng lây cho người khác thì bệnh nhân phải có khạc đàm chứa vi trùng lao trong đàm. Sau khi chẩn đoán bệnh nhưng được điều trị tốt, đúng, khoảng 2- 3 tuần khả năng lây sẽ khó vì vi trùng đã bị suy yếu, hoạt động kém, người bệnh không còn triệu chứng ho khạc nữa.

    Tuynhiên, không phải người nào tiếp xúc với người bệnh lao đều bị lây vì còn tùy thuộc vào sức đề kháng của người lành.

    Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trước tiên là những thành viên trong gia đình cần lưu ý thực hiện các bước sau:

    - Hướng dẫn người bệnh ho che miệng, không khạc nhổ bừa bãi;

    - Các dụng cụ cá nhân như khăn mặt bệnh nhân, gối cần phải được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời (vi trùng sẽ chết khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời);

    - Phòng ởphải thoáng, ánh nắng mặt trời chiếu vào được, không ẩm thấp;

    - Những người tiếp xúc với bệnh nhân nên mang khẩu trang trong thời gian đầu người bệnh được xác định và uống thuốc (khoảng 3 tuần).

    Bác sĩ CK 2 Trần Đình Thanh
    Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM

    Nguồn www.phunuonline.com.vn 

  • Con gái tôi được 3 tuổi, bị bệnh quai bị có ảnh hưởng đến sức khoẻ của cháu sau này không? Tôi định khi cháu hết bệnh sẽ đi tiêm ngừa. Phương Trinh (huyện Bình Chánh, TPHCM).

    BS Trương Hữu Khanh trả lời: 

    Bệnh quai bị đa số sẽ tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần. 

    Tuy nhiên, một số ít trường hợp có biến chứng viêm cơ tim, viêm não điều trị rất khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

    Sau khi cháu khỏi bệnh, chị có thể cho cháu chích ngừa mũi sởi-quai bị-rubella và các văc xin khác như não mô cầu, thương hàn, cúm, viêm gan A, viêm não Nhật Bản... 

    PV (ghi)

    Nguồnkienthuc.net.vn 

  • Tôi 26 tuổi (nữ). Ngày trước tôi bệnh quai bị thì sau này có ảnh hưởng đến việc sinh con hay không? Hoàng Mai Xuân

    Bạn không nói rõ bạn bị quai bị thời điểm nào, có gây viêm buồng trứng hay không? Nếu bị khi còn nhỏ thì không ảnh hưởng gì, nếu bị ở tuổi d ậy thì và có gây viêm buồng trứng có di chứng thì có ảnh hưởng đến thai nhi.

    Theo BS Ngô Thị Đức Hạnh - Gia đình & Xãhội

    Nguồn alobacsi.vn 

  • Con tôi bị sốt nhẹ sau đó bị nổi bọng nước ở miệng, chân, lòng bàn chân, tay, đùi,… Gia đình hiện đang rất lo lắng, xin hỏi bác sĩ tôi phải làm gì với bệnh của bé? Trần Thị Mỹ Duyên (myduyentuancuong@gmail.com)

    Theo mô tả trong thư thì đó là những biểu hiện điển hình của bệnh tay-chân-miệng (TCM). Triệu chứng đầu tiên là sốt nhẹ và đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bọng nước, các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Đồng thời thấy xuất hiện các phỏng nước ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân (ban này không ngứa, đây là đặc điểm khác với sởi và thủy đậu). Vì xuất hiện tổn thương phỏng nước ở miệng, ở tay, chân nên có tên gọi bệnh TCM.

    Bệnh thường do Entervirus 71 hoặc16 gây ra, vì vậy nếu xét nghiệm virut này (dương tính) là yếu tố khẳng định chính xác bị bệnh. Tuy nhiên ban có thể xuất hiện ở mông, một số trường hợp ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy xuất hiện ở các vị trí khác...

    Về điều trị: Cho tới nay chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Vì vậy việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ và theo dõi diễn biến của bệnh là yếu tố then chốt. Cụ thể dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí tổn thương ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Nếu bé sốt cao, li bì, mệt lả hoặc co giật phải đưa nhập viện điều trị ngay tránh để biến chứng.

    BS. Vũ Hồng Ngọc

    Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/lam-gi-khi-bi-tay-chan-mieng-n110016.html 

  • Xin bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu và phòng ngừa lây lan bệnh. Lê Thị Tú (Thái Bình)

    Thực ra, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu không biết cách chăm sóc, để biến chứng bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não... Khi trẻ bị thuỷ đậu, cần giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ bằng cách tắm hoặc lau người cho trẻ hàng ngày với nước ấm có thêm lá ổi, lá đắng. Sau khi tắm phải lau người trẻ khô, nhưng khi lau phải nhẹ tay, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước, vì nếu không mụn sẽ lan khắp người. Cần giữ không cho trẻ gãi các nốt mụn. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát; phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ;  phòng ở kín gió nhưng không được ẩm thấp. Sau 7-10 ngày điều trị như trên nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy, không để lại sẹo. Thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa virut này, vì thế, khi có người bị bệnh, cần cách ly ngay với người lành. Quần áo, dụng cụ cá nhân của người bệnh cần để riêng và phải vệ sinh sạch sẽ. Trong trường hợp mụn nước vỡ nhiều, cần đưa trẻ đến khoa truyền nhiễm của các bệnh viện để điều trị.

    ThS. Thanh lâm

    Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/ve-sinh-va-cham-soc-tre-bi-thuy-dau-n143922.html 

  • Xin bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu và phòng ngừa lây lan bệnh.

    Thực ra, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu không biết cách chăm sóc, để biến chứng bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não... Khi trẻ bị thuỷ đậu, cần giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ bằng cách tắm hoặc lau người cho trẻ hàng ngày với nước ấm có thêm lá ổi, lá đắng. Sau khi tắm phải lau người trẻ khô, nhưng khi lau phải nhẹ tay, tuyệt đối không để nốt đậu bị trợt, chảy nước, vì nếu không mụn sẽ lan khắp người. Cần giữ không cho trẻ gãi các nốt mụn. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát; phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ; phòng ở kín gió nhưng không được ẩm thấp. Sau 7-10 ngày điều trị như trên nốt đậu sẽ xẹp xuống, khô và bong vảy, không để lại sẹo. Thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa virut này, vì thế, khi có người bị bệnh, cần cách ly ngay với người lành. Quần áo, dụng cụ cá nhân của người bệnh cần để riêng và phải vệ sinh sạch sẽ. Trong trường hợp mụn nước vỡ nhiều, cần đưa trẻ đến khoa truyền nhiễm của các bệnh viện để điều trị.

    ThS. Thanh lâm

    Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/ve-sinh-va-cham-soc-tre-bi-thuy-dau-n143922.html